Thông báo

Góc Riêng Trên Bàn nay đã chuyển về http://gocriengtrenban.wordpress.com

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

3 lời khuyên khi nói trước đám đông (Phần 2)

Chỉ có những con bò mới nói “những điều không thật”
Ở phần trước, tôi đã nói về lời khuyên thứ nhất: Hãy tin rằng Bạn có quyền được nói. Nhưng khi bạn có cái quyền đó rồi, bạn tin vào quyền đó rồi, vấn đề tiếp theo là bạn sử dụng quyền ấy thật hiệu quả (để lần sau người ta còn trao cho bạn quyền đó nữa). Không có cách nào hiệu quả bằng cách bạn hãy tin vào những điều mình nói.
2. Bạn TIN VÀO ĐIỀU ĐÓ:
Niềm tin đóng vai trò quan trọng khi bạn muốn trình bày một vấn đề nào đó. Không chỉ tự tin vào bản thân mình mà bạn còn phải tin vào những điều bạn sắp nói. Tin vào những gì mình nói, bạn mới có sức để thuyết phục người khác nghe theo bạn. Nếu bạn còn chưa chắc chắn hay còn chưa rõ, đừng nói, dù cho bạn có quyền đó. Vì khi đó mỗi lời bạn nói ra, sẽ là một con dao đâm ngược trở lại bạn.

Một kinh nghiệm đau thương từ chính bản thân của tôi: Khi tôi theo học lớp cao học, thầy yêu cầu tôi phải về nghiên cứu về đề tài Ứng dụng của phương pháp phổ Raman. Thời gian đó tôi bận rộn khá nhiều với công tác ở trường học. Và dĩ nhiên, đề tài này không được đầu tư tương xứng. Tôi báo cáo và thất bại ê chề. Thầy đánh giá bài báo cáo ở mức dưới trung bình và phê bình trước lớp. Bản thân tôi khi thuyết trình cũng cảm thấy ngắc ngứ, nhiều chỗ không biết tôi phải giả vờ bỏ qua hoặc dùng chiêu "nếu có thời gian chúng ta sẽ nghiên cứu thêm". Tôi xin thầy được thuyết trình lại vào tuần sau. Và suốt cả 3 đêm sau đó, tôi đã thức khuya đọc hết tất cả tài liệu, tìm hiểu về mọi thuật ngữ được đề cập, kể cả bên Hóa, Dinh dưỡng... Tôi hiểu rõ tất cả vấn đề, tin tưởng rằng phổ Raman có ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Bài thuyết trình sau đó thành công rực rỡ. Như vậy, vấn đề ở chỗ tôi đã không tìm hiểu kỹ và tin tưởng vào những điều mình thuyết trình.
Bạn đang là một giám đốc đang trình bày về kế hoạch tháng tới của công ty, bạn phải tin rằng kế hoạch đó là khả thi, là thích hợp, là động lực để công ty phát triển. Bạn tin tưởng như thế, nhân viên cũng sẽ tin tưởng như thế. Bạn tin tưởng như thế, bạn sẽ không thể chịu được cảm giác nhân viên không có lòng tin vào kế hoạch đó và bạn sẽ tìm mọi cách để nhân viên chịu tin và thế là nhân viên của bạn đã bị (được) bạn thuyết phục. Người ta gọi đó là truyền cảm hứng.
Bạn là một giáo viên, bạn tin tưởng vào những hiện tượng, những định luật, những công thức mình đang giảng dạy. Trong khoa học có thể có sự nghi ngờ nhưng trong giảng dạy mọi thứ phải chắc chắn. Bạn tin và hiểu những kiến thức đó thì học sinh mới có thể tin và hiểu sơ sơ. Bạn tin tưởng chắc chắn và hiểu rõ ràng một cách chắc chắn thì học sinh sẽ tin và hiểu thật sự. Ngược lại, sẽ là một sự nguy hiểm khi một ông giáo đứng trên lớp mà còn chưa tin vào những điều mình giảng dạy. Đó không dừng lại ở sự lố bịch mà còn là mối nguy“ngu cả một thế hệ” (Mr. Long)
Tôi có một ví dụ thế này: bạn hãy nói Mặt trời mọc ở đằng Đông. Rất dễ đúng không? Không chỉ đơn giản là thói quen mà còn là vì bạn tin vào điều đó. Còn bây giờ hãy thử nói: Mặt trời mọc ở đằng Tây… Ngượng ngùng phải không? Vì sao thế? Vì bạn chưa tin điều đó. Nhưng nếu giả sử bạn leo lên con tàu vũ trụ và bay ngược hướng tự quay của trái đất, bạn sẽ thấy mặt trời mọc ở đằng tây. Lúc ấy bạn sẽ nói điều đó thật dễ dàng.
Năm 4 đại học, tôi đi làm cho chương trình “Tập trung trí tuệ, nắm bắt tương lai” trong vai trò chuyên viên. Ngài giám đốc Wrigley Vietnam đã yêu cầu chúng tôi phải nhai sing gum trong suốt buổi họp để chúng tôi tin rằng “Nhai sing-gum giúp tăng 40% lượng oxy lên não và có ích cho tập trung” (không có ý quảng cáo đâu nhe!!! Nhưng nếu Wrigley chịu trả tiền thì tui cũng lấy :D ). Vài ngày sau đó, chính chúng tôi sẽ đi truyềnđạt cho các em học sinh THPT và sinh viên các trường ĐH về điều đó. Có thể nhai singum không thật sự mang lại 40% lượng oxy lên não nhưng chắc chắn, chúng tôi đã hiểu rõ hơn về tác dụng của phương pháp nhai sing-gum đối với việc tập trung.
Bạn hãy tin vào những điều bạn sắp sửa nói. Nếu chưa tin, hãy làm mọi cách để có thể tin nóNếu vẫn chưa tin, đừng nói nữa. Nói nữa, bạn sẽ không tự tin đâu và chắc chắn bạn không thể thuyết phục mọi người tin bạn. Bài nói của bạn sẽ là một sự khủng hoảng.
Một khi bạn đã tin vào những điều mình sắp nói, tôi chắc chắn rằng bạn sẽ có cách làm cho người khác tin. Bạn hiểu rõ vấn đề của mình, bạn biết tại sao người ta sẽ tin, bạn biết tại sao người ta sẽ nghi ngờ. Tất cả việc còn lại chỉ là những kỹ thuật thuyết trình mà bạn có thể tìm ở bất kỳ cuốn sách dạy hùng biện nào.


Xem phần 1 - phần 3

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét